Thương hiệu cá nhân của bạn nói lên điều gì ?
Thương hiệu là gì?
Thương hiệu là một cam kết. Thương hiệu nói với bạn rằng “nếu bạn đã biết tên tôi, bạn có thể tin vào lời hứa của tôi”. Và cũng giống như mọi lời hứa, một thương hiệu chỉ được tin tưởng khi lời hứa được thực hiện. Xây dựng niềm tin là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một thương hiệu.
Con người cũng là thương hiệu. Nếu quan sát hay chỉ nghe nhắc tên một người, chúng ta sẽ có những hình dung và nhận định về con người đó.
Thương hiệu của cá nhân bạn nói lên điều gì ?
Thương hiệu của cá nhân là những giá trị phân biệt cá nhân đó với người khác. Thương hiệu của cá nhân không chỉ đơn thuần là gây dựng một hình ảnh ra thế giới bên ngoài mà nó còn là sự tự nhận thức về các điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, cảm xúc… cũng như cách sử dụng các yếu tố đó để tạo nên sự khác biệt cho bản thân và định hướng cho các quyết định của cá nhân. Thương hiệu của cá nhân ngày một trở thành yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống của người đó.
Thương hiệu cá nhân mang lại cho người sở hữu nhiều lợi ích :
Hiểu bản thân tốt hơn, giúp tăng sự tự tin và tính khẳng định. Quá trình phát triển thương hiệu cá nhân chính là quá trình “truyền bá” những thông điệp, khẳng định những giá trị cá nhân của bạn. Xây dựng được một thương hiệu cá nhân thành công cũng đồng nghĩa với việc bạn có một công cụ hữu ích để kiểm soát bản thân mình.
Tạo sự khác biệt. Một khi bạn đã tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình thì đó chính là một công cụ hữu hiệu giúp phân biệt bạn với đồng nghiệp và các đối thủ cạnh tranh.
Thương hiệu cá nhân còn mang lại những lợi ích cụ thể trong ngắn hạn cũng như dài hạn (có công việc tốt hơn, ổn định, tăng thu nhập, mở rộng lĩnh vực kinh doanh…). Mục đích cuối cùng của việc xây dựng thương hiệu là sự phát triển bền vững, là lợi nhuận lâu dài.
Khi bạn đã có một thương hiệu tốt, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Một số gợi ý để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công :
Bước 1: Xác định thương hiệu riêng.
Để xây dựng thương hiệu cá nhân, cần định hướng mục tiêu rõ ràng. Hãy suy nghĩ xem bạn muốn cuộc sống của bạn sẽ thế nào trong 1, 2, 3 hay 5 năm tới. Các mục tiêu cần được xác định tập trung, trọng điểm, cụ thể và sát thực.
Ngạn ngữ có câu: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Xây dựng thương hiệu cá nhân cũng vậy. Để xác định được một thương hiệu phù hợp và thành công cần phải hiểu rõ về bản thân mình cũng như về đối thủ cạnh tranh. Nếu bạn là người năng động và hướng ngoại, bạn sẽ khó thành công với những công việc có thể dự đoán trước, những gì quá ổn định. Ngược lại, nếu bạn là người ưa ổn định, bạn sẽ thất bại khi hướng đến một môi trường đòi hỏi tính năng động, sáng tạo và khả năng thích nghi cao.
Để đạt được từng mục tiêu, bạn phải xây đựng cho mình một chương trình hành động cụ thể. Phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phấn đấu đạt đến các mục tiêu. Bạn cần làm thế nào để thể hiện được là mình hội đủ các khả năng và tố chất để có thể thực hiện được các mục tiêu đó.
Bước 2: Biểu đạt và thể hiện thương hiệu
Một khi bạn đã hiểu về bản thân mình, đã xây dựng được những mục tiêu, bạn có thể dễ dàng xác định một tổ hợp các phương tiện liên kết giúp bạn thể hiện hình ảnh, thông điệp của mình đến mọi người một cách hiệu quả nhất.
Đó có thể là những bài viết chia sẻ kiến thức, các buổi giao lưu thuyết trình trao đổi thông tin,… Bạn cũng cần lựa chọn các phương tiện thích hợp để thể hiện với từng đối tượng trong từng tình huống khác nhau . Phương tiện đó có thề thay đổi tuỳ thuộc mục tiêu của bạn ở từng giai đoạn nhất định.
Mỗi hành động của bạn cần được gắn với thương hiệu cá nhân của bạn. Khi bạn có một buổi thuyết trình, khi tham gia một cuộc họp, khi giao tiếp với 1 người nào đó, khi viết một bản báo cáo, hoặc cách mua sắm tiêu dùng hàng ngày , xin bạn đừng quên thương hiệu của mình. Mặt khác, cần thường xuyên đánh giá những việc bạn đã làm và những phương pháp bạn đã sử dụng để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho tốt hơn. Hãy sử dụng lịch in hay một cuốn sổ tay để liệt kê những việc cần làm và phải luôn chắc chắn rằng mọi việc bạn làm đều có liên quan với bản chất thương hiệu của bạn. Đó là cách để giữ cho thương hiệu của bạn luôn rõ ràng, nhất quán và ổn định.
Bước 3: Đánh giá và liên hệ
Bạn sẽ đo lường sự thành công của thương hiệu cá nhân như thế nào?
Điểm mấu chốt là phải thu thập những thông tin phản hồi qua việc quan sát thái độ ứng xử của mọi người đối với mình. Nếu bạn làm việc cho một công ty hãy sử dụng hệ thống đánh giá công việc của Công ty, thu nhận những phản hồi từ người quản lý, từ những đồng nghiệp. Hãy tham vấn những người mà bạn tin rằng họ sẽ đưa ra những nhận xét trung thực nhất. Nếu bạn là một nhà tư vấn, hãy gửi cho khách hàng của bạn mẫu nhận xét qua từng dự án.
Thu thập các thông tin phản hồi trên các website, các phương tiện truyền thông. Hãy cố gắng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt vì điều đó giúp bạn nhận thức rõ hơn về thương hiệu cá nhân của mình. Nhưng hãy xem xét 1 cách thận trọng và khách quan với những thông tin phản hồi, cần đối chiếu nhiều hướng, nhìn theo nhiều khía cạnh khác nhau để tránh thái độ quá tự hào về mình dễ dẫn đến tâm lý khoe khoang, kiêu ngạo hoặc thái độ quá mặc cảm, tự ti với bản thân dẫn đến tâm lý thụ động, thiếu tự tin .
* Tài liệu tham khảo : DHVP Research
Các chủ đề cùng loại
Số người xem: 2971